THỜI HƯNG THỊNH

FURNICO là một công ty sản xuất đồ chơi gỗ hàng đầu Việt Nam vào khoảng những năm 2012 - 2014 với doanh số trên 100 tỷ đồng. FURNICO nhận được sự chú ý của một số Quỹ đầu tư bao gồm một quỹ đầu tư tư nhân nổi tiếng ở TP. HCM và một Quỹ đầu tư của Nhật Bản.

KHỦNG HOẢNG BẮT ĐẦU

FURNICO rơi vào tình huống khó khăn khi nhà máy sản xuất mới vừa hoàn tất việc xây dựng và lắp đặt. Nhà máy mới này có công suất gấp đôi nhà máy cũ và Ông H - người sáng lập, chủ tịch kiêm Tổng Giám Đốc công ty - kỳ vọng sẽ là cú hích mới đưa công ty ông phát triển lên tầm cao mới. Tuy nhiên, khi nhà máy hoàn tất, kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, một số khách hàng của công ty đã phải đóng cửa. Sự sụt giảm doanh thu, kéo theo lãi vay chồng chất từ khoản vay để xây xưởng mới làm cho công ty lâm vào cảnh cực kỳ khó khăn.

Hàng ngày, Ông H cảm thấy rất lo lắng và có phần có lỗi khi phải đối mặt với những nhân viên đã gắn bó với ông cả chục năm, trong đó có những người làm với ông từ khi mới ra trường. Ông đã không thể trả lương cho họ đến gần cả 3 tháng. Nhưng vì hiểu ông, họ vẫn gắn bó. FURNICO cũng đã không thể trả một số kỳ lãi vay. Ngân hàng đã chuyển nhóm nợ của công ty thành nợ xấu và áp mức lãi phạt bằng 1.5 lần mức lãi suất thông thường. Ông lo lắng mất ăn mất ngủ nhiều đêm liền vì căn nhà ông đang ở đã được dùng để thế chấp cho khoản vay đó. 

Các Quỹ đầu tư tỏ ra bất bình với kết quả của công ty. Quỹ đầu tư tư nhân tại Việt Nam, sau 2 năm thất vọng với kết quả kinh doanh, đã thoái vốn sau một loạt các tranh cãi nảy lửa với BQL.

Để chấm dứt tất cả những khó khắn này, Ông quyết định bán công ty.

QUÁ TRÌNH CHÀO BÁN

Qua một vài mối quan hệ, Delta được Ông H mời tư vấn để bán FURNICO. Sau khi tìm hiểu, chúng tôi đã trao đổi với Ông H rằng phải thực hiện một số thay đổi quan trọng mới có thể bán được. Cụ thể là một số vấn đề sau:

  • Tỷ lệ nợ / Tổng tài sản quá cao.
  • Tỷ lệ hàng tồn kho / Doanh thu hơn 60% là một điểm báo động.
  • Tỷ lệ trang trải lãi vay (EBIT / lãi vay) dưới 1 lần cho thấy công ty đang mất khả năng thanh toán.
  • Tỷ lệ lãi gộp khá thấp, không đủ trang trải cho chi phí bán hàng và chi phí quản lý.

Tuy nhiên, Ông H không đồng ý, vì theo Ông, nếu có thể thay đổi được tình hình, thì Ông không việc gì phải bán. Ông một mực yêu cầu Delta bán FURNICO càng nhanh càng tốt.

Trước sự quyết tâm của Ông H, chúng tôi đã tiếp cận một số công ty trong ngành ở khu vực Đông Nam Á. Một số trong những công ty này quan tâm nhưng đều rút lui vào phút chót vì những quan ngại chúng tôi đã chỉ ra trước đó. Với họ, điều họ cần là một cơ sở sản xuất ổn định để cung cấp sản phẩm cho họ. Họ hoàn toàn không muốn bỏ thêm vốn đầu tư vào một công ty ở một quốc gia khác và sau đó phải giải quyết những khó khăn chồng chất ở đó.

Sau một thời gian suy tính, Ông H đồng ý tiến hành các bước tái cơ cấu chúng tôi đề xuất.

QUÁ TRÌNH TÁI CƠ CẤU

Sau khi nghiên cứu tình hình, chúng tôi đề xuất gói cơ cấu bao gồm các giải pháp sau:

  • Giảm nợ tài chính: Việc đầu tiên chúng tôi đề xuất là giảm bớt số nợ đang đè nặng công ty. Để làm vỉệc này, chúng tôi đề xuất bán lại nhà máy cũ mà FURNICO đang không sử dụng. Số tiền bán được sẽ được ưu tiên để trả bớt nợ trung dài hạn của công ty. Sau vài tháng rao bán, FURNICO đã bán được nhà máy này, và đã trả bớt nợ đưa tỷ lệ nợ về mức phù hợp hơn.
  • Đàm phán lại lãi suất với NH cho vay. Với số tiền có được từ việc bán xưởng cũ, FURNICO đã có thể thanh toán lại các khoản nợ theo tiến độ. Chúng tôi đề xuất FURNICO thương lượng với NH để giảm lãi vay. Sau nhiều lần yêu cầu giảm lãi vay không được ngân hàng chấp thuận, chúng tôi (Delta) đã giới thiệu một ngân hàng khác cho vay tái tài trợ lại các khoản vay hiện hữu của FURNICO. Đến lúc này, NH hiện hữu của FURNICO mới đồng ý giảm lãi suất cho công ty.
  • Xử lý hàng tốn kho. Theo nghiên cứu của chúng tôi, phần lớn hàng tồn kho của FURNICO là các đoạn gỗ thừa cắt ra từ những mảnh gỗ lớn hơn trong quá trình sản xuất. Việc tận dụng những đoạn gỗ này vào sản xuất rất hạn chế vì hàng xuất khẩu đòi hỏi độ đồng nhất của nguyên liệu cao. Do đó, chúng tôi đề xuất cho phân loại lại và thanh lý những mặt hàng tồn kho không có khả năng tận dụng trong sản xuất. Việc này cũng được phía FURNICO chấp thuận và thực hiện.
  • Thay đổi chính sách kế toán giá thành: như đã nói ở trên, với những mẫu gỗ thừa không có khả năng tái sử dụng, nhưng kế toán công ty đã không ghi nhận đó là chi phí mà ghi nhận như hàng tồn kho. Việc này làm cho chi phí giá thành thấp hơn thực tế một cách giả tạo. Chúng tôi yêu cầu kế toán thận trọng hơn trong việc phân loại bán thành phẩm và ghi nhận hàng tồn kho.
  • Tăng cường kiểm soát định mức vật tư và nhân công: trưởng thành từ một xưởng gỗ gia đình, nhiều cán bộ quản lý của FURNICO không được trang bị kiến thức quản lý phù hợp, nên họ không nhận thức đầy đủ việc sản xuất phải đáp ứng các yêu cầu về định mức vật tư và nhân công. Chúng tôi nhận thấy rằng mặc dù lại gộp mục tiêu là 30% nhưng lãi gộp thực tế chỉ ở mức 20%. Điều này cho thấy chi phí sản xuất quá cao làm giảm tỷ lệ lãi gộp. Chúng tôi đã yêu cầu BQL có những biện pháp để giám sát việc sử dụng NVL và nhân công theo định mức và có đánh giá đầy đủ sau mỗi đơn hàng. Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, Ông H đã nhanh chóng cho triển khai các giải pháp và kết quả là tỷ lệ lãi gộp của công ty đã cải thiện thấy rõ sau 3 tháng áp dụng.
  • Sự xuất hiện khách hàng quan trọng: với sự tham mưu và động viên của chúng tôi, Ông H đã đi thăm một khách hàng quan trọng ở Đan Mạch. Chuyến thăm này được khách hàng đánh giá rất cao và chuyển thêm nhiều đơn hàng nữa cho FURNICO.

QUAY TRỞ LẠI VÙNG LỢI NHUẬN

Mặc dù đã có nhiều cải tiến, công ty bắt đầu có lãi, nhưng sau 3 năm liên tiếp lỗ lã và kẹt thanh khoản, Quỹ đầu tư Nhật Bản đã quyết định bán số cổ phần của họ cho Ông H với giá chỉ bằng ~20% giá vốn mua vào, tương đương khoảng trên 3,000 đông / cổ phần. Vào thời điểm này, chúng tôi định giá cổ phần FURNICO vào khoảng 16,000 đồng, và đã khuyến khích Ông H mua lại.

Sau các cải tiến và sự xuất hiện của 1 khách hàng quan trọng, FURNICO bắt đầu có lãi và trả được toàn bộ các khoản nợ quá hạn. 

QUÁ TRÌNH BÁN LẦN 2

Với kết quả kinh doanh cải thiện, chúng tôi đề xuất phương án chào bán gồm 2 phần:

  • Phương án 1 - Bán lô lớn: chúng tôi tìm kiếm người mua toàn bộ hoặc một phần đáng kể cổ phần của Ông H.
  • Phương án 2 - Bán lẻ thông qua niêm yết và bán trên sàn: trong khi đó, chúng tôi làm thủ tục để đưa FURNICO lên UpCom. 

Trước ngày lên sàn, chúng tôi đã chốt được giao dịch bán 70% cổ phần của Ông H cho một đối tác trong nước với giá 18,000. Cổ phiếu FURNICO sau khi lên sàn ở giá 20,000 đã tăng vọt lên gần 60,000 và ổn định ở mức 50,000 - 53,000.

 

© Copyright 2020 Delta Invest - All Rights Reserved